Wednesday, May 01, 2024

Áp lực “đàn ông xây nhà” trong thời sa thải


Giữa làn sóng mất việc rộng khắp cùng kinh tế khó khăn, kỳ vọng nam giới kiếm tiền còn phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái trở thành áp lực với những người đàn ông không thể xây cả nhà lẫn tổ ấm.

Quan niệm “đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm” được nối tiếp bằng kỳ vọng nam giới kiếm tiền (breadwinner), phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái (homemaker). Trong xã hội hiện đại, khi phụ nữ cũng đi làm, đây vẫn là “chuẩn mực xã hội” ở hầu hết mọi nơi. Giữa làn sóng mất việc rộng khắp cùng kinh tế khó khăn, chính điều này lại trở thành áp lực với những người đàn ông không thể xây cả nhà lẫn tổ ấm.

Mới đây, trên diễn đàn Reddit, một người đàn ông đã nhờ cộng đồng mạng phân xử vấn đề: bức xúc vì bạn gái từ chối trả tiền thuê nhà lúc thất nghiệp, “liệu tôi có phải gã tồi”?

Người đàn ông kể mình quen người phụ nữ ba năm và họ sống chung được hai năm. Khi mới hẹn hò, cô bày tỏ mong muốn sẽ đính hôn sau hai năm và thời gian qua đã rất thất vọng khi anh không cầu hôn. Do khoản trợ cấp từ thất nghiệp không đủ, mới đây anh chàng nhờ bạn gái trả hộ tiền nhà nhưng cô từ chối. 

Anh chàng bức xúc: ba năm bên nhau chẳng lẽ không có ý nghĩa gì với cô ấy? Anh kể người bạn gái cũng cho rằng việc họ bên nhau ba năm chẳng có ý nghĩa gì một khi anh không cầu hôn. 

Trong quan điểm của cô, anh đơn giản là có thể tuyên bố không muốn kết hôn và bỏ cô bất cứ lúc nào. Nếu đã không cầu hôn, hà cớ gì anh lại muốn người có tư cách bạn gái hành xử với trách nhiệm của một người vợ?

Đa số độc giả Reddit đồng ý rằng người đàn ông “đúng là một gã tồi” và ủng hộ cách xử lý của người phụ nữ. Đã không cam kết làm chồng, đòi hỏi đối phương đạo nghĩa của người vợ khi gặp khó khăn là chuyện nực cười. Câu chuyện của người đàn ông đặt ra một vấn đề lớn hơn khi nó diễn ra giữa cơn bão sa thải: việc thất nghiệp có tác động đến nam và nữ như nhau?

Cái tôi bị tổn thương

Theo tạp chí Harvard Business Review, mặc dù sa thải là chuyện người lao động nào – già, trẻ, thuộc mọi xu hướng giới tính – cũng phải đối mặt, nhưng nam giới trong mô hình gia đình khác giới dễ bị kỳ thị và cảm thấy tiêu cực nhiều hơn so với phụ nữ. Các chuẩn mực xã hội truyền thống khiến nam giới cảm thấy mình là kẻ thất bại khi họ bị mất việc làm.

Ở độ tuổi cận kề 59, Robert – một người Mỹ từng có việc làm tốt với đãi ngộ và lương bổng thuộc hàng top – đột ngột bị sa thải. Anh đã ở nhà gần một năm. Robert cho biết một trong những thay đổi ở mình sau khi bị mất việc là đặc biệt nhạy cảm khi bị xem thường. “Vì chẳng công ty nào muốn tuyển bạn, bạn dễ cảm thấy mình không được ghi nhận, không được tôn trọng – ông nói – Mỗi ngày, liên tục bạn phải đấu tranh với cái tôi của bản thân”.

Robert kể người vợ rất tích cực hỗ trợ ông tìm việc làm mới nhưng điều này phản tác dụng, khiến ông thấy quá tải và cảm thấy áp lực hơn. “Cô ấy rất tích cực tìm và gửi cho tôi những công việc tôi có thể quan tâm. Một số đúng là như vậy nhưng đa số toàn là những việc tôi không hề hứng thú. Với tôi, sự nhiệt tình của cô ấy như muốn nói rằng tôi phải kiếm việc gì đó mà làm” – ông nói.

Không chỉ ở Mỹ, áp lực tâm lý khi đàn ông thất nghiệp cũng đầy rẫy ở khắp châu Âu. Trong nghiên cứu với hơn 42.000 người ở chín quốc gia châu Âu trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha… các nhà khoa học ở Đại học Bath, Anh, cho biết khi vợ/bạn gái là người đi làm kiếm tiền, nam giới khó chấp nhận chuyện này và gặp khó khăn tinh thần nhiều hơn phụ nữ.

Cụ thể, tình trạng bị thất nghiệp trong khi vợ/bạn gái là trụ cột tài chính đè nặng lên tâm lý người đàn ông đến mức họ thấy nhẹ nhàng hơn khi vợ cũng thất nghiệp như mình, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí European Sociological Review hồi tháng 6. Tâm lý này có ở cả những quốc gia nổi tiếng về bình đẳng giới như Phần Lan.

Nam giới thất nghiệp có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn đáng kể khi bạn đời cũng thất nghiệp. Ngược lại, hằng ngày nhìn vợ/bạn gái đi làm hoặc bận bịu làm việc ở nhà có thể khiến cái tôi của người đàn ông tổn thương nghiêm trọng.

Thất nghiệp đánh vào lòng tự trọng, sự tự tin của cả hai giới nhưng nam giới đặc biệt bị tổn thương hơn nữ giới. Họ trở nên dễ “xù lông nhím” trong những giao tiếp hằng ngày, đặc biệt khi câu chuyện chĩa mũi dùi vào việc họ cần phải kiếm việc làm.

Phụ nữ có gia đình hoặc trong quan hệ lâu dài với bạn đời nam giới ở một vị thế khác khi thất nghiệp. Hầu hết đều cảm thấy không cần gấp gáp tìm việc làm mới. Nhiều người cho biết họ thậm chí còn rất vui vì cuối cùng cũng có thể dùng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, được làm một bà nội trợ tận hưởng những giây phút an nhiên. 

Các cuộc nói chuyện với chồng/bạn đời của họ ít hướng về chủ đề thất nghiệp và tìm việc làm mới. Kiếm việc mới không phải là “vấn đề cấp bách” khi người phụ nữ thất nghiệp.

“Đối ngoại” cũng ảnh hưởng

Việc nuôi dạy con cái và đối mặt với gia đình hai bên nội ngoại cũng khác nhau giữa trường hợp người vợ/chồng mất việc, giáo sư Aliya Hamid Rao, tác giả bài viết trên tạp chí Harvard Business Review kết luận. 

Rao là trợ giáo sư tại Trường Kinh tế London, chuyên nghiên cứu tình trạng công việc bấp bênh và thất nghiệp. Bà vừa xuất bản quyển Crunch Time: How Married Couples Confront Unemployment (tạm dịch: Thời kỳ khó khăn: Các cặp vợ chồng đối mặt với tình trạng thất nghiệp như thế nào).

Qua nghiên cứu, Rao nhận thấy người chồng, người cha có xu hướng tự trách vì mình mất việc làm mà các con không được bằng bạn bằng bè. Ngoài Robert, một nhân vật khác tên Kevin kể cô con gái 6 tuổi của vợ chồng anh muốn nuôi chó đúng lúc anh thất nghiệp. 

Họ phải giải thích với con rằng cô bé cần chờ khi Kevin có việc làm mới vì nuôi thú cưng sẽ phát sinh nhiều chi phí. Kevin kể sau cuộc nói chuyện đó, mỗi khi thấy ai đó dắt chó đi dạo ngoài đường, cô con gái liền khoe: “Cháu sẽ có một con chó, khi nào bố có việc làm”. Lời trẻ con khiến Kevin rất xấu hổ và bị hành hạ bởi cảm giác anh là người bố thất bại.

Trong khi đó, phụ nữ không cảm thấy tội lỗi như vậy. Grace mang về 50% thu nhập cho gia đình trước khi mất việc. Cô đã tiết kiệm bằng cách mua sắm tại các cửa hàng giá rẻ hoặc hiệu đồ cũ. 

Nhiều người phụ nữ cho biết mất việc làm không hẳn là “mất” mà là “được” khi họ dành khoảng thời gian này gần gũi các con, điều mà khi bận rộn với công việc họ không làm được. Trong trường hợp của Grace, chị đã tận hưởng thời gian không có việc làm trong mùa hè để đưa các cô con gái đi bơi, đi picnic, đi sở thú, bảo tàng…

Các cặp vợ chồng cho biết thách thức của mất việc làm của họ còn là có nên báo cho gia đình hai bên biết không và nếu có thì làm như thế nào. Theo logic thông thường, chúng ta nên báo với gia đình vì những người thân khi mất việc có thể họ biết những việc làm phù hợp cho bạn và giới thiệu. Tuy nhiên, trong gia đình của những người đàn ông thất nghiệp, họ thường cảm thấy rất xấu hổ và không muốn bị anh chị em và cha mẹ thương hại nên giữ kín.

Rao nêu vài ví dụ. Khi chồng mất việc, Connie “xấu hổ” và không “muốn mọi người thương hại chúng tôi”. Emily, có chồng là Brian bị mất việc, cũng nói rằng cô phải cố gắng giữ kín tình trạng thất nghiệp của chồng. Tuy nhiên, trong một kỳ nghỉ cùng gia đình và “Brian kể với mọi người và điều này thành mối quan tâm của tất cả mọi người”.

Áp lực "đàn ông xây nhà" trong thời sa thải- Ảnh 3.

Ngược lại, trường hợp người vợ trong gia đình mất việc, họ không phải vất vả che giấu tình trạng thất nghiệp theo cách tương tự. Với đại gia đình của họ, không ai xem việc tình trạng thất nghiệp của phụ nữ là vấn đề lớn hoặc phải lập tức kiếm việc mới. 

Nhiều gia đình còn thấy không cần người phụ nữ quay lại công việc thậm chí còn tốt hơn. Chẳng hạn, với Julia, sau khi mất việc, chị tích cực tìm việc nhưng rồi thay đổi kế hoạch và ở nhà làm nội trợ. Chị cho biết “mẹ chồng tôi từng ở nhà chăm các con và bà rất muốn tôi cũng như vậy với các cháu của bà”. 

Mẹ chồng hỏi vợ chồng Julia cần hỗ trợ bao nhiêu tiền để Julia ở nhà và chu cấp số tiền này. Julia cho biết cô biết ơn mẹ chồng vì nhờ có bà, cô vừa ổn định về tài chính và vừa được ở bên con trai nhiều hơn.

Để các gia đình vượt qua gánh nặng tâm lý của việc sa thải tốt hơn, các nhà nghiên cứu kêu gọi cần thay đổi cách xã hội đánh giá tình trạng mất việc làm và xem lại các quan điểm truyền thống lỗi thời.

Sự thay đổi này nên xảy ra càng sớm càng tốt vì suy cho cùng, hầu như ai trong chúng ta cũng có lúc nếm mùi thất nghiệp, thất bại. Thất nghiệp đã đủ tệ rồi và không người đàn ông nào đáng phải bị phán xét bởi các chuẩn mực truyền thống.

Xã hội cần giải phóng nam giới khỏi kỳ vọng “xây nhà và chu cấp”, cắt đứt mối liên hệ giữa kiếm tiền và nam tính. Thay đổi quan điểm về việc đàn ông kiếm tiền là tiền đề rất quan trọng để nam giới không còn cảm thấy thất bại khi không đạt được kỳ vọng này.

Nghiên cứu trên European Sociological Review cảnh báo việc phụ nữ là trụ cột tài chính cho gia đình – điều không lạ trong xã hội ngày nay – đang đe dọa một cách rõ ràng đến cảm nhận của nam giới không đi làm về bản lĩnh đàn ông của họ. 

“Điều này làm tăng thêm những hậu quả tiêu cực về chất lượng cuộc sống của nam giới không có việc làm hoặc thu nhập thấp hơn” – các tác giả viết. Họ dễ bị kỳ thị và phán xét nặng nề như “bị nói xấu sau lưng, chế giễu và chê bai” vì không phải trụ cột gia đình.

Nghiên cứu cũng cho biết nam giới không có việc làm có nguy cơ bị cô lập và cô đơn lâu dài, do ít có mạng lưới cộng đồng và bạn bè để dựa vào hơn phụ nữ.

Theo TTCT

——

THANK YOU SO MUCH

Monday, April 29, 2024

Đừng suốt ngày hỏi con bạn đang cảm thấy thế nào


Việc thường xuyên “hỏi thăm” về tâm lý có thể tạo ra tư duy có hại cho người trẻ, những người cần học cách kiểm soát và đôi khi là lờ luôn những cảm xúc thay đổi liên tục của mình.

Ảnh: Sam Falconer / theiSpot
Ảnh: Sam Falconer / theiSpot

Việc thường xuyên “hỏi thăm” về tâm lý có thể tạo ra tư duy có hại cho người trẻ, những người cần học cách kiểm soát và đôi khi là lờ luôn những cảm xúc thay đổi liên tục của mình.

Đi chơi với các gia đình có trẻ con một lần, bạn có thể thường xuyên nghe cha mẹ hỏi xem con ăn kem có vui không, có thích tới trường ngày hôm sau không hay có thấy thoải mái khi ở công viên. Rất nhiều câu hỏi của cha mẹ với trẻ giờ là chúng cảm giác thế nào. Tín hiệu với đứa trẻ là: niềm vui của con là tối thượng, đó là điều chúng ta theo đuổi khi sống.

Theo tác giả Abigail Shrier, người mới ra cuốn sách Bad Therapy: Why the Kids Aren’t Growing Up (Trị liệu có hại: Vì sao lũ trẻ mãi không lớn), chúng ta đang làm ngược. Các nhà nghiên cứu về tâm lý học khuyên, nếu muốn bọn trẻ vui, hạnh phúc thì tốt nhất không nên truyền thông điệp cho trẻ con rằng vui vẻ, hạnh phúc là điều tối thượng. Vì nếu càng quyết liệt tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta càng dễ thất vọng, bất chấp điều kiện của chúng ta thế nào.

Cảm xúc không đáng tin

“Chúng ta biết rằng càng theo đuổi tâm lý tích cực cho bản thân thì điều này càng đi kèm với năng lực tâm lý kém – điều có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm – Yulia Chentsova Dutton, lãnh đạo phòng nghiên cứu văn hóa và cảm xúc ở Đại học Georgetown, nói với Wall Street Journal – Cảm xúc phản ứng rất nhạy khi chúng ta chú ý tới chúng. Một số sự chú ý tới cảm xúc, tập trung vào cảm xúc, thực ra có thể gây thêm căng thẳng”.

Các nhà trị liệu, thầy cô và phụ huynh ở Mỹ dường như vẫn tin rằng việc hỏi thăm tình hình tâm lý của trẻ thường xuyên là vô hại và hữu ích giống như việc kẹp nhiệt kế cho con. Nhưng Dutton, người nghiên cứu về kiểm soát cảm xúc của người trẻ ở Mỹ, Đông Á, Tây Phi và Nga, cảnh báo rằng việc khuyến khích trẻ, đặc biệt là các trẻ có vấn đề, chú ý quá nhiều tới cảm xúc của mình sẽ phản tác dụng.

Nghiên cứu của cô cho thấy cảm xúc rất dễ bị tác động và thao túng. Điều này dẫn tới cảm xúc của chúng ta không đáng tin khi cần đánh giá điều gì đúng hay sai. Cách chúng ta hỏi thăm trẻ thường xuyên dẫn tới một thông điệp ngược.

“Về cơ bản chúng ta nói với trẻ là các tín hiệu cảm xúc rất không chính xác kia là đáng tin và đáng được theo dõi… và dùng nó để dẫn dắt hành vi của mình, dùng nó để phản ứng trong các tình huống”, Dutton nói.

Dạy con tập trung nhiều quá vào việc trẻ phải hạnh phúc

Nguyên nhân gốc rễ của việc này theo bà Shrier là việc bỏ cách dạy con truyền thống (nhiều phần áp chế) và theo thiên hướng của thế hệ X là cổ xúy các liệu pháp thần kinh.

“Việc dạy con thành công giờ chỉ tập trung vào hệ số duy nhất: trẻ con lúc nào cũng phải hạnh phúc – bà viết – Tuổi thơ lý tưởng nên là không đau đớn, không có gì khó chịu, không đánh nhau, không thất bại – và tuyệt đối không dấu vết gì của sang chấn”. Và khi dạy con có vấn đề thì rất nhiều cha mẹ vội lao vào các liệu pháp chữa trị thần kinh từ kiểm tra, chẩn đoán cho tới chữa trị.

Theo tạp chí Slate, việc đề cao quá các khó chịu của trẻ vừa hạn chế khả năng giúp chúng tự độc lập với cuộc sống của mình, dám đón nhận các rủi ro có thể tạo ra đột phá không phải điều mới. Nhà tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel hơn 20 năm trước cũng từng viết cuốn sách The Blessing of a Skinned Knee (May mắn khi xước da đùi) nói về việc nên để cho trẻ tự đối mặt với các thách thức.

“Hỏi người nào đó ‘bạn cảm thấy thế nào?’ thường dẫn tới những cảm xúc tiêu cực. Bạn không nên làm vậy” – Michael Linden, chuyên gia về rối loạn cảm xúc và giáo sư tâm lý tại đại học ở Bệnh viện Charité của Berlin, nói. Vì sao? “Không ai cảm giác tốt hết cả – ông giải thích – Không bao giờ. Ngồi xe buýt và cứ nhìn người nào đối diện coi. Họ không vui. Hạnh phúc không phải là cảm xúc mỗi ngày”.

Theo ông Linden, khi nhìn lại đời sống mỗi ngày, có thể thấy cảm giác hạnh phúc là khá hiếm. Chúng ta phần lớn trong ngày chỉ “OK”, cố gắng phớt lờ các cảm giác hơi mệt, xác xơ, tức giận, stress, khó chịu hay đau, để cố gắng làm việc và làm các trách nhiệm của mình. 

Một ví dụ, khi ông Linden chen ngang câu phỏng vấn của bà Abigail Shrier và hỏi bà cảm thấy thế nào, bà muốn nói là “tốt” nhưng ông ngay lập tức nhảy vào: “Không, bạn không thấy vui lúc này. Bạn đang tập trung vào bài phỏng vấn”.

“Ông ta đúng. Lúc đó là 5h sáng giờ California và tôi không phải người dậy sớm. Tôi đặc biệt biết có 3 đứa trẻ ngủ tầng trên và bất cứ lúc nào cũng có thể dậy và chen ngang buổi phỏng vấn. Tôi chưa uống ly cà phê sáng và tôi không thích khuôn mặt mệt mỏi của mình trên camera. Linden trông thoải mái trong chiếc áo len màu cừu trong khi tôi xanh xao và mệt mỏi, cố gắng tỏ ra là tập trung để nghe những gì ông ta nói bằng cái giọng rất nặng. Nên không “vui vẻ”. Và khi biết về cảm xúc của tôi thì lại càng làm dấy lên những cảm giác tiêu cực”, bà Abigail Shrier viết.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng người lớn càng muốn đề cao hạnh phúc thì họ lại càng không vui vẻ. Một nghiên cứu năm 2019 của Journal of Applied Development Psychology (tạp chí về tâm lý học phát triển ứng dụng) cho thấy các thanh niên đồng ý với lựa chọn “kể cả khi thấy vui vẻ, tôi vẫn muốn vui vẻ hơn” thì thường có các dấu hiệu của trầm cảm.

Thiên hướng hành động sẽ tốt hơn

Việc hỏi trẻ liên tục là chúng cảm thấy thế nào còn nhiều tác hại nữa. Đặc biệt là khả năng tinh thần để chống chọi với các khó khăn trong cuộc sống.

Các nhà tâm lý học quan sát rằng những người có “thiên hướng hành động” thường có khả năng tập trung vào nhiệm vụ mà không bị phân tâm bởi những suy nghĩ về cảm xúc hiện tại hay trạng thái của mình. 

Những người có “thiên hướng về trạng thái của bản thân” thì thường nghĩ nhiều về bản thân hơn: họ đã sẵn sàng chưa, cảm giác căng cổ hay cái email họ quên chưa trả lời. Không ngạc nhiên khi những người “hành động” thường dễ hoàn thành công việc của mình hơn.

“Những người quan tâm quá vào trạng thái của bản thân thường vướng rào cản để có thể thành công”, ông Linden nói. Không huấn luyện viên giỏi nào nói với cầu thủ của mình dựa vào cảm xúc để thi đấu tiếp sau giờ giữa hiệp.

Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra những người luôn để ý coi mình cảm thấy thế nào không chỉ khó khăn trong hoàn thành công việc mà còn gặp khó trong kiểm soát bản thân như có tỉ lệ uống rượu cao hơn và không kiểm soát được ăn uống.

Nghiên cứu trên tạp chí Journal of Personality năm 2020 cho thấy những người có khả năng loại cảm xúc tức giận sang một bên thường dễ dàng tiếp tục chơi game trên máy tính sau khi bị chặn ngang bất chợt so với những người còn mải miết theo đuổi những suy nghĩ khó chịu trong đầu.

“Thay vì liên tục hỏi con mình về chuyện đang cảm thấy thế nào, người lớn nên nói với chúng rằng cảm xúc thường không hoàn hảo và không đáng tin thế nào. Điều này giúp chúng nhận ra các cảm xúc ghen tị, tức giận, mê đắm bất chợt hiếm khi phản ánh bức tranh đầy đủ về thế giới và đôi khi các cảm xúc đó cần được lờ đi”, bà Shrier viết.

Đời sống cảm xúc lành mạnh cần một sự kiềm chế cảm xúc nhất định. Đứa trẻ làm sao có thể học mỗi ngày nếu không biết vượt qua các cảm xúc buồn đau và tập trung vào bài học trước mắt? Làm thế nào có thể trở thành bạn tốt nếu luôn để cảm xúc lên trên hết? Làm thế nào trẻ con có thể thành công trong công việc? Sẽ không thể nếu để cảm xúc chi phối mình.

Theo bà Shrier, thay vì ám ảnh với câu chuyện trẻ có vui vẻ, hạnh phúc không khiến chúng đề cao quá mức cảm xúc của mình, chúng ta nên khuyến khích chúng đặt ra các mục tiêu và chấp nhận rủi ro một số việc. Thế giới bên ngoài là sự phân tâm phù hợp cho những biến động của tuổi mới lớn – nó có thể chính là giải pháp cho những biến động này.

Ý tưởng rằng trẻ con cần thêm các trị liệu tâm lý được nhiều người ủng hộ khi nước Mỹ dường như đang trải qua khủng hoảng về sức khỏe tâm lý của trẻ. Theo dữ liệu bà Shrier thu thập, hiện 1/6 trẻ từ 2-8 tuổi của nước này được chẩn đoán có rối loạn thần kinh, hành vi hoặc phát triển. Một chuyên gia bà phỏng vấn nói nếu người trẻ có cảm giác xấu về bệnh vậy thì họ rất dễ tìm tới các loại thuốc để giải tỏa.

Theo TTCT

THANK YOU SO MUCH

Nhảy cóc – Bước đi mạo hiểm nhưng cũng đầy kỳ vọng (Skip the line)


Trong cuốn sách Skip the line – Người thành công có lối đi riêng, tác giả đã đưa ra những phương pháp “nhảy cóc” để bạn có thể học nhanh hơn, sáng tạo hơn và bắt đầu những cuộc phiêu lưu cho cuộc đời mình.

Nhảy cóc không là mẹo hay lối tắt

Nó là đam mê dẫn dắt việc học hỏi, thời gian và nhiều nguồn lực khác.

Tất cả chúng ta đang phải xây dựng một nền kinh tế đang hấp hối, một xã hội chứa đầy nỗi sợ hãi và mỗi cá nhân cần phải học cách vượt qua vô vàn sự bất ổn. Giữa bộn bề cuộc sống, chúng ta không thể lúc nào cũng đi từng bước một theo các lối mòn. Chúng ta cần phải đứng lên và tự tìm những con đường phù hợp cho chính mình.

Rất nhiều người trong số chúng ta sẽ phải nhảy cóc.

Bạn cần phải thật khôn ngoan trong việc lựa chọn những kỹ thuật cơ bản để có thể nhảy cóc. Nếu bạn không biết bản thân đang hổng phần nào, thì làm sao bạn biết những gì bạn cần tìm hiểu? Tất cả chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng sau cùng thì chúng ta có rất nhiều điểm yếu giống nhau và chúng thường liên quan đến việc giao tiếp và hiệu suất công việc.

Kỹ thuật 1% mỗi ngày

Dưới đây là một vài kỹ thuật trong quyển sách Người thành công có lối đi riêng (Skip the line) mà tác giả đã học được và tự đúc rút để giúp cải thiện các kỹ năng cơ bản thêm 1% mỗi ngày.

Kỹ thuật xin lời khuyên: học cách xin lời khuyên – đây vừa là hình thức tôn trọng và thừa nhận vị thế của người đối diện, vừa giúp bạn nhận ra được vấn đề của bản thân mình.

6 phút kết nối: xây dựng lại và tạo ra các kết nối với những người xung quanh, những người bạn cũ đã lâu chưa liên lạc.

Đảo ngược!: không chỉ lắng nghe mà hãy “đảo ngược” – tìm kiếm điều ngược lại với những gì bạn tin là đúng. Từ đó bạn sẽ trở nên toàn diện hơn và có thể hiểu biết về tư duy của hàng triệu người.

Kỹ thuật Google: Google sẽ luôn cho bạn biết những gì bạn cần – chúng ta cũng nên như thế. Học cách giúp đỡ người khác, lắng nghe và ghi nhận những người xung quanh.

Giảm thiểu sự chú ý: Giảm thiểu các thông tin gây sao nhãng để chú tâm rèn luyện, học tập hay làm việc hiệu quả hơn.

Kỹ thuật “Có, và…”: Để nhảy cóc, bạn cần giao tiếp với mọi người ở mọi địa vị khác nhau. Thông thường, để quan điểm của bạn chiếm ưu thế, bạn phải biết cách phê bình các quan điểm hiện có khác. Điều quan trọng là có thể sử dụng “Có, và…” để góp ý mang tính xây dựng. Lời phê bình của bạn nên mang tính đôi bên cùng có lợi.

Đối phó khi bị từ chối: Nếu các ý tưởng của bạn bị từ chối – không sao cả. Hãy tự lực thử nghiệm mỗi ngày. Thực hiện các thử nghiệm về những thứ bạn quan tâm, và từ thử nghiệm bạn sẽ học hỏi được nhiều điều.

“Skip the line – Người thành công có lối đi riêng” sẽ giúp bạn nhảy cóc

Skip the line – Nhảy cóc không phải là các mẹo có thể áp dụng trong mọi tình huống. Nó là một cách sống cho phép đam mê dẫn dắt việc học hỏi, thời gian và nhiều nguồn lực khác. Bằng cách luyện tập để giỏi hơn mỗi ngày, bạn sẽ có thể làm những việc gần với sở thích và đam mê của mình nhất.

Đây là cách tiếp cận những thay đổi và khủng hoảng bằng cách sử dụng các công cụ giúp tăng cường sự sáng tạo, kỹ năng thực hành, thuyết phục, lãnh đạo và hiệu suất làm việc. Tất cả những kỹ năng này khi kết hợp với nhau sẽ đưa bạn tới thành công vượt ngoài sức tưởng tượng, với tốc độ mà người khác sẽ nói là bất khả thi.

Theo DNPlus

——

THANK YOU SO MUCH